BÁNH MÌ SAIGON “Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon” – lời rao hàng quen thuộc đến mức đã trở thành giai điệu khó quên trong tâm trí người dân Sài Thành hơn 100 năm nay. Những chiếc bánh vàng ruộm, nóng hổi, thơm phưng phức mùi bơ, sữa và bột trộn. Hương vị đặc trưng ấy cứ thế lan tỏa khắp các con đương, ngóc ngách ở Sài Gòn, len cả vào chùm ký ức tuổi thơ của người dân thành. Một thế kỷ nhìn lại, trong “danh” và “giá” của bánh mì Sài Gòn có gói cả “tình”. Không cần bàn cãi cách làm bánh mì của lò người Việt có khác công thức so với cách làm bánh mì của người Pháp như thế nào, chỉ biết ổ bánh làm từ bột mì có giá dễ mua đối với nhiều người, nên người Sài Gòn cứ thế rủ mua ăn, mua đem biếu, và cứ gọi riết là “bánh mì Sài Gòn”. Cái cách cho bánh mì vào bao vải bố đặt vào bội tre là người Sài Gòn nghĩ ra để giữ cho bánh mì nóng giòn lâu, người mua ổ cuối cùng vẫn ăn được bánh đủ ấm và không mềm. Thế nên, sáng sáng, người bán chở bội bánh mì trên xe qua từng phố, hẻm, cất tiếng rao: “Bánh mì nóng giòn đây!” đánh thức mọi người tỉnh giấc một cách vui vẻ, chưa kịp rửa mặt đã vội chạy nhanh ra mua bánh mì như sợ mất phần. Ổ bánh mì được xẻ dọc, phần nhận (kẹp) vào là các loại thịt nguội, pa-tê, trứng. Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau, nên ổ bánh mì được nhận thêm vài lát dưa leo tươi mát, vài cọng hành ngò để có mùi thơm, một ít đồ chua kích thích ăn ngon và rưới thêm nước tương hay nước mắm cho đậm đà đủ vị ổ bánh mì. Ngán thịt thì nhận vào bánh mì cá hộp, trứng chiên, xíu mại, chà bông, bì…. theo ý thích. Chuyên trang du lịch của The Guardian nước Anh đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn du khách nhất thế giới, như vậy “Bánh mì Sài Gòn” đã thành danh, mà không cần chính người Sài Gòn phải lên tiếng. https://www.dulichhoanmy.com/blog/banh-mi-sai-gon-100-nam-thang-hoa-huong-vi